KHÁI NIỆM RAMADAN
Ramadan là tên gọi tháng thứ 9 theo lịch Hồi giáo cũng là tên gọi của nền tảng thứ 4 trong 5 nền tảng của giáo luật Hồi giáo. Tháng Ramadan được bắt đầu một cách thống nhất giữa các quốc gia Hồi giáo trên thế giới. Cụ thể, trong năm nay Ramadan dự kiến sẽ được bắt đầu vào ngày 11/3/2024 và áp dụng cho tất cả cộng đồng Hồi giáo trên toàn cầu.
Hiện nay, có hơn 2 tỷ người Hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), chiếm 25% dân số thế giới. Đặc biệt, người dân theo Hồi giáo chiếm số đông ở khu vực châu Á (62%), nhất là trong khối ASEAN. Và dự kiến sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ người vào năm 2050[1].
Quay lại cụm từ Ramadan, nhiều người gọi Ramadan một cách đơn giản là “tháng nhịn ăn” hoặc “tháng ăn chay”, nhưng cả hai cách gọi đó đều không đúng, vì Luật quy định cho các tín đồ không ăn, không uống vào thời gian ban ngày trong tháng. Cụ thể là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn và kéo dài đến 30 ngày. Sau thời gian mặt trời lặn, các tín đồ ăn trở lại bình thường kèm theo những thực phẩm Halal theo quy định của giáo luật. Thực phẩm Halal bao gồm các loại thịt, cá, hải sản và nông sản,... Cho nên, nếu gọi là “tháng ăn chay” thì hoàn toàn không hợp lý. Vì vậy, nhiều quốc gia Hồi giáo trên thế giới đều dùng chung tên gọi là tháng Ramadan.
CHỨNG CHỈ HALAL
Halal là một khái niệm còn ít được biết đến, kể cả đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ đến thời gian gần đây, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hồi giáo gặp khó khăn với chứng chỉ Halal tại các quốc gia Hồi giáo thì tiêu chuẩn này mới bắt đầu được quan tâm và có nhu cầu tìm hiểu một cách nghiêm túc.
Thật sự, Halal đã tồn tại hơn 1.400 năm trước nhưng chỉ mới được quan tâm ở mức độ toàn cầu trong vài thập kỷ gần đây. Halal (الحلال) có nguồn gốc từ tiếng Arab có nghĩa là hợp pháp hay được phép, thuật ngữ này dùng để quy định cho tất cả tín đồ Hồi giáo được phép làm tất cả mọi vấn đề chứ không hạn hẹp trong phạm vi công nghiệp thực phẩm nhưng phải phù hợp theo Thiên kinh Qur’an - Luật Sharia (luật Hồi giáo) và Sunnah - đường lối của Nabi Muhammad, trái ngược với Halal là Haram có nghĩa là không được phép hoặc bị cấm.
Thời gian đầu, Halal chỉ áp dụng cho thịt gia súc, gia cầm nhưng hiện nay, Halal đã mở rộng ra tất cả các loại thực phẩm, đồ uống, nông sản, thủy sản, mỹ phẩm, dược phẩm, lò giết mổ, logistic, du lịch, khách sạn... Đáng chú ý, có những sản phẩm trước đây không phải tuân theo tiêu chuẩn Halal nhưng gần đây buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn này như gạo, trà, tiêu,...
Hiện nay, có hơn 300 tổ chức chứng nhận Halal trên toàn cầu. Malaysia được xem là cái nôi của nền công nghiệp Halal và được xây dựng thành hệ thống tiêu chuẩn Halal đầu tiên vào những năm 70 và 80 trước khi chính phủ Malaysia thành lập tổ chức công nhận chứng nhận Halal (JAJIM – Cục Phát triển Hồi giáo Malaysia) để hệ thống hóa tiêu chuẩn Halal. Tại Việt Nam, hiện chưa có tổ chức chứng nhận Halal quốc gia mà chỉ có văn phòng chứng nhận Halal tư nhân được các tổ chức chứng nhận Halal trên thế giới công nhận và ký kết thừa nhẫn lẫn nhau.
Tuy nhiên, mới đây Chính phủ cũng đã khai mở bằng việc ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14.2.2023 của Thủ tướng Chính phủ, đưa nội dung về hợp tác Halal vào trong các cơ chế hợp tác song phương (UBLCP, TVCT), hiện Bộ Ngoại giao đang thúc đẩy tổ chức kỳ họp các cơ chế này giữa Việt Nam với các đối tác Hồi giáo như UAE, Saudi Arabia, Qatar…và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp với Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan đã xây dựng 4 tiêu chuẩn quốc gia TCVN về lĩnh vực Halal dựa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước có thế mạnh như UAE, Saudi Arabia, Malaysia,…và sự kết hợp hài hòa giữa các tiêu chuẩn phổ biến như: (Tiêu chuẩn CODEX CXG 24-1997 General Guidelines for Use of the Term Halal, Tiêu chuẩn Malaysia MS 1500:2019); (Halal Food - Yêu cầu chung, GSO 2215:2012, Thực hành nông nghiệp tốt (Tiêu chuẩn khu vực vùng Vịnh), UAE.S 2055 -1:2015); (Sản phẩm Halal - Phần 1 - Yêu cầu chung đối với thực phẩm Halal (Tiêu chuẩn UAE)). Các TCVN gồm:
1. TCVN 13708:2023 Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal
2. TCVN 13709:2023 Thức ăn chăn nuôi Halal
3. TCVN 13710:2023 Thực phẩm Halal – Yêu cầu đối với giết mổ động vật
4. TCVN 13888:2023 Đánh giá sự phù hợp – Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm, quá trình và dịch vụ Halal.
Song song với việc xây dựng đề án thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia. Và đến nay, Bộ Ngoại giao cũng đã phát hành đặc san Halal số 1/2023 và số 2/2023.
Cho nên, Halal giờ đây không chỉ mang yếu tố tôn giáo dành riêng cho người theo Hồi giáo mà từ góc nhìn kinh tế, hội nhập và mở rộng thị trường thực sự Halal là một cơ hội lớn, một hướng đi đúng đắn cho nhiều doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu thị trường tiềm năng, bởi lẽ nó thỏa mãn được tiêu chí của người tiêu dùng mà còn mang yếu tố đặc trung và thương hiệu Hồi giáo.
TÌNH HÌNH KINH TẾ HỒI GIÁO TRONG THÁNG RAMADAN
Trong khi nhiều hoạt động giao dịch bị chậm lại, tháng Ramadan lại là cơ hội lớn cho ngành bán lẻ, đặc biệt là các nhà cung cấp thực phẩm, nông sản, đồ ăn và thức uống. Ước tính, trong tháng Ramadan, người dân tiêu thụ lượng thực phẩm gấp 2,5 lần so với các tháng khác.
Theo một cuộc khảo sát của HLB, Ramadan liên quan đến thức ăn, lượng thức ăn tiêu thụ vượt quá mẫu thức ăn thông thường và hóa đơn thức ăn tăng từ 50-100% trong thời gian này. Điều này chiếm khoảng 15% tổng chi tiêu hàng năm của họ cho thực phẩm chỉ trong một tháng duy nhất.
Theo Meta Blueprint, kế hoạch tiên tiến có thể góp phần vào một Ramadan thành công, và khoảng 51% người dân bắt đầu chuẩn bị mua sắm ít nhất 2-3 tuần trước tháng Ramadan. Nhiều doanh nghiệp thực phẩm bắt đầu tích trữ hàng tháng trước khi Ramadan bắt đầu để có hàng tồn kho cho khách hàng mua sớm và cung cấp sản phẩm trong suốt mùa cao điểm.
Theo HLB, các loại cây ăn quả, hạt và sản phẩm sữa là những thực phẩm được tiêu thụ nhiều nhất trong tháng Ramadan. Trong tháng này, tiêu thụ bánh mì, gà và trái cây khô tăng lên lần lượt là 63%, 66.5% và 25% so với phần còn lại của năm. Trái cây khô là một trong những loại thực phẩm thiết yếu trong tháng Ramadan, và hơn 100 tỷ quả trái cây khô được tiêu thụ trong thời gian này.
Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.
Quốc gia chi tiêu cao nhất trong các quốc gia Hồi giáo là Indonesia (146,7 tỷ USD), tiếp đó là Bangladesh (125,1 tỷ USD) và Ai Cập (120,1 tỷ USD). Các quốc gia nhập khẩu thực phẩm Halal lớn nhất là Saudi Arabia (20,01 tỷ USD), Indonesia (17,54 tỷ USD) và Malaysia (16,21 tỷ USD), các quốc gia xuất khẩu thực phẩm Halal lớn nhất là Brazil (16,45 tỷ USD), Ấn Độ (17,45 tỷ USD), Mỹ (13,22 tỷ USD) và Nga (12,74 tỷ USD), chiếm khoảng 29% nguồn cung thực phẩm Halal toàn cầu[2]. (Nguồn: State of the Global Islamic Economy Report 2022).
Hiện tại quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt 7.000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028[3] nhờ tăng trưởng quy mô dân số Hồi giáo, mức chi tiêu, sự đa dạng về lĩnh vực và triển vọng tăng trưởng trong tương lai với tốc độ khoảng 6-8%/năm.Theo Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), người Hồi giáo đã chi 2.000 tỷ USD cho thực phẩm, quần áo, du lịch, dược phẩm,...
Riêng về quy mô ngành thực phẩm Halal toàn cầu. Theo nghiên cứu thị trường Zion (Ấn Độ), quy mô lĩnh vực thực phẩm Halal toàn cầu năm 2022 đạt 2.301,45 tỷ USD và dự báo đạt 4.115,87 tỷ USD vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của thị trường thực phẩm Halal toàn cầu giai đoạn 2023-2030 đạt 7,7%/năm.
Chỉ số thống kê của một số nước
Tại Indonesia, một quốc gia có số lượng tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới với hơn 236.53 triệu người (chiếm hơn 86% dân số). Nước này xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng chỉ số Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (GIEI) năm 2022, đứng thứ 2 trong lĩnh vực thực phẩm Halal trong ASEAN. Chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal của Indonesia ước tính sẽ đạt 281.6 tỷ USD vào năm 2025. Chính phủ nước này đang ráo riết nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu để phục vụ và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của hơn 236.53 triệu dân trong tháng Ramadan, trong đó gạo là mặt hàng được quan tâm nhiều nhất tại nước này khi tháng Ramadan 2024 đang tới gần. Theo cơ quan lương thực Quốc gia Indonesia, nước này đã quyết định nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn gạo, nâng tổng số gạo nhập khẩu trong năm nay lên đến 3,6 triệu tấn[4]. (Dựa trên một cuộc khảo sát do Bộ Thương mại Indonesia thực hiện, nhu cầu gạo tăng tới 45,13% trong tháng Ramadan và Eid al-Fitr).
Tại Ả Rập Xê Út, cái nôi của tôn giáo Hồi giáo và sở hữu 2 thánh đường lớn nhất thế giới, là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông với kim ngạch thương mại hai chiều hằng năm đạt 2,7 tỷ USD năm 2022, tăng 32,4% so mức năm 2021, là thị trường lớn nhất trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này đạt 20,01 tỷ USD, là quốc gia nhập khẩu sản phẩm Halal đứng đầu trong OIC (Tổ chức Hợp tác Hồi giáo). Hằng năm, vào mỗi tháng Ramadan tỷ lệ tiêu thụ thực phẩm Halal tăng lên 3,2 lần so với tháng, 91% người tiêu dùng tìm kiếm giao dịch hàng hóa trực tuyến và 54% sử dụng thương mại điện tử để khám phá mua hàng trong tháng Ramadan và Eid Al-Fitri[5].(theo báo cáo của Ramadan Interactive Meta)
Tại Mỹ, Theo Tạp chí Dân số Thế giới và American Halal Foundation, có khoảng hơn 3,45 triệu người Hồi giáo ở Hoa Kỳ vào năm 2023, số người tiêu dùng Halal tại thị trường Hoa Kỳ đã chi khoảng 20 tỷ USD cho thực phẩm vào năm 2020. Nó được dự đoán sẽ tăng thêm 8,17 tỷ USD vào năm 2024. Cụ thể, vào năm 2023, Farmer Focus, công ty gà hữu cơ và được chứng nhận nhân đạo 100% của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã cung cấp thịt gà hữu cơ được chứng nhận Halal cho tháng Ramadan.
Cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo trong tháng Ramadan
Thế giới đang chứng kiến một cuộc cách mạng công nghiệp Halal bùng nỗ và thị trường Halal đã và đang phát triển rất nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay. Sự phát triển của thương mại, tăng cường thương mại quốc tế là nền tảng chiến lược quốc gia. Một trong những hoạt động chính của thương mại quốc tế cần phải thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào thị trường tiềm năng. Trong đó, các quốc gia Hồi giáo hiện nay là những thị trường cực lớn với nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm Halal tăng rất nhanh, trong khi nguồn cung bị thiếu hụt.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN mới chỉ đạt trên 26,37 tỷ USD, trong đó lớn nhất là Indonesia 10,18 tỷ USD, trong 9 tháng đầu năm 2023, riêng khối GCC (Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh) với 6 quốc gia thành viên là UAE, Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman đạt 12,5 tỷ USD tăng gấp 4,6 lần trong năm. Malaysia cũng "khát" nguồn cung các sản phẩm Halal, vẫn còn khoảng 80% trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ Halal để đáp ứng nhu cầu, Singapore cũng có nhu cầu rất lớn về hàng hóa Halal, dù người Hồi giáo chỉ chiếm 14% dân số.
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm cho thị trường Halal, có tiềm năng và năng lực để khai phá vào thế giới Halal toàn cầu, là mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực và liên khu vực. Song, hạn chế của Việt Nam trong việc thâm nhập vào thị trường Halal là thiếu cân đối trong cơ cấu hàng xuất khẩu, đối tượng xuất khẩu, chưa đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và thông tin thị trường. Đặt biệt là thông tin quy định xuất khẩu hàng hóa phù hợp với yêu cầu riêng của từng thị trường đặc thù.
Mặc dù cơ hội thâm nhập vào thị trường này là rất lớn nhưng bên cạnh đó doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức như sự khác biệt về văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng và đặc biệt là quy trình khắt khe của việc xin chứng nhận Halal.
Tuy nhiên, để không bị lỡ nhịp trong tiếp cận thị trường Halal, nhà nước ta cũng đang chỉ đạo mạnh việc xây dựng Trung tâm chứng nhận Halal Quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp, từng bước hướng tới việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong chứng nhận, quản lý, phát triển tiêu chuẩn Halal cũng như thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương để ký kết các thỏa thuận về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực Halal. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất sản phẩm Halal đạt tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín và các đối tác trên thế giới.
KẾT LUẬN
Nhìn chung, qua các khảo sát và một vài chỉ số thống kê, chúng ta có thể khẳng định rằng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm Halal là cực kì rất lớn đối với các sản phẩm được chứng nhận Halal trong vài năm qua một phần là do dân số Hồi giáo ngày càng tăng mặt khác do sản phẩm Halal được đón nhận một cách tích cực đối với quốc gia không phải Hồi giáo vì chúng đáp ứng các yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Từ đó, các sản phẩm Halal trở thành một phân khúc sinh lời để đầu tư nhằm đáp ứng như cầu người tiêu dùng trong tháng Ramadan.
Song, lượng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt sang thị trường Hồi giáo còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của thị trường, chưa tương xứng với tiềm năng và năng lực xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal, một tỷ lệ rất thấp so với nhu cầu thị trường, có 40% sản phẩm xuất khẩu chưa có chứng nhận Halal vì vướng rào cạn về các tiêu chuẩn Halal.
Để duy trì và phát triển trong bối cạnh hội nhập thị trường mới, một vấn đề đặt ra là cần phải am hiểu chính xác về tiêu chuẩn Halal, định hướng đúng đắn về thị trường tiềm năng. Chủ động, tích cực triển khai đề án mà chính phủ đã ban hành để góp phần xây dựng ngành Halal Việt Nam ngày càng hoàn thiện nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này và góp phần thực hiện mục tiêu xuất khẩu của đất nước.
Lư Văn Lĩnh
Giám đốc Trung tâm Đào tạo Halal
[1] Theo báo cáo năm 2020 về tương lai dân số Hồi giáo toàn cầu của Pew Research Center
[2] State of the Global Islamic Economy
[3] Theo World Halal Summit Council (4/2022)
[4] Dựa trên một cuộc khảo sát do Bộ Thương mại Indonesia thực hiện, nhu cầu gạo tăng tới 45,13% trong tháng Ramadan và Eid al-Fitr
[5] Theo báo cáo của Ramadan Interactive Meta